1,5 tỷ USD có giúp Saudi Arabia hóa rồng?

Các câu lạc bộ của Saudi Arabia chi tổng cộng hơn 450 triệu USD (398 triệu bảng Anh) tiền chuyển nhượng trong mùa hè này, nâng tổng số chi tiêu của họ từ năm 2023 lên con số hơn 1,5 tỷ USD, cao thứ 5 trong số các giải đấu trên toàn thế giới.

Trong vòng một năm qua, Saudi Pro League (giải VĐQG Saudi Arabia – SPL) chỉ chi tiêu kém Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga và Serie A. Họ thậm chí mua sắm cầu thủ còn nhiều hơn cả Ligue 1, bỏ xa các đội ở giải Nhà nghề Mỹ (MLS) hay Nam Mỹ. Với một giải đấu thuộc châu Á, mức độ chi tiêu của Saudi Arabia thật sự khủng khiếp.

Saudi Arabia chi tiền khủng để nâng cấp đội hình
Saudi Arabia chi tiền khủng để nâng cấp đội hình

Trong quá khứ, Trung Quốc hay Qatar, UAE cũng từng không tiếc tiền mua sắm cầu thủ từ châu Âu. Tuy nhiên, những gì người Saudi Arabia dường như vẫn ở một đẳng cấp khác, khi họ chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, chỉ tính riêng trong mùa hè năm nay, mức độ mua sắm của SPL chỉ kém Ngoại hạng Anh.

Từ một vùng đất hẻo lánh với bóng đá đỉnh cao thế giới, Saudi Arabia khiến tất cả phải nhắc đến tên mình chỉ trong vòng hai năm trở lại đây. Quốc gia Saudi Arabia được thành lập vào năm 1923, ban đầu là một vương quốc sa mạc nghèo nàn chỉ toàn cát. Mọi thứ thay đổi sau khi họ khai thác những mỏ dầu đầu tiên vào năm 1938. Đến năm 1976, nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Saudi Arabia trở thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình cao nhất thế giới nhờ dầu mỏ. Vào cuối những năm 2010, chính phủ Saudi Arabia nhận ra rằng họ phải chuẩn bị cho ngày lượng dầu của quốc gia cạn kiệt. Để làm được điều đó, họ phải xây dựng hình ảnh của mình trong cộng đồng quốc tế, đồng thời tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực giải trí và thể thao.

Bóng đá là một trong những lĩnh vực được người Saudi Arabia xem trọng. Giải bóng đá chuyên nghiệp Saudi Arabia được thành lập năm 1976, mãi đến hơn 30 năm sau, hạng đấu cao nhất của quốc gia này được đổi tên thành SPL, với tham vọng vươn tầm.

Mong muốn của Saudi Arabia là chiếm lĩnh các giải đấu
Mong muốn của Saudi Arabia là chiếm lĩnh các giải đấu

Sự thật là trong giai đoạn đầu mang tên gọi mới, SPL không thu hút quá nhiều khán giả đến sân. Lượng khán giả trung bình trong mùa giải 2021/22 vào khoảng 9.000 người/trận, tương đương với giải bóng đá hạng nhất Anh. Sau đó, vào cuối năm 2022, tình hình thay đổi.

Sau khi nước láng giềng Qatar đăng cai thành công World Cup 2022, chính phủ Saudi Arabia hiểu rằng một quốc gia Arab hay Trung Đông cũng có thể tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Việc đăng cai World Cup sẽ giúp Qatar hay Saudi Arabia tạo ra tiếng vang và cải thiện hình ảnh.

Không lâu sau khi World Cup 2022 hạ màn, Al Nassr ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo, trả cho siêu sao người Bồ Đào Nha mức lương hơn 300 triệu USD/năm. Kể từ thời điểm đó, chính phủ Saudi Arabia bắt đầu đẩy mạnh dự án với tên gọi “Tầm nhìn 2030”.

“Tầm nhìn 2030” là chiến lược phát triển do Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, công bố tháng 5/2016 nhằm mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, mở cửa về văn hóa và xã hội. Thể thao, đặc biệt là bóng đá, nằm trung tâm trong kế hoạch phát triển của quốc gia này.

Ronaldo hiện đang chơi bóng tại Saudi Arabia với mức lương khủng
Ronaldo hiện đang chơi bóng tại Saudi Arabia với mức lương khủng

Để phát triển bóng đá và nâng cao hình ảnh của quốc gia, điều dễ làm nhất với Saudi Arabia đó là vung tiền chiêu mộ các ngôi sao hàng đầu từ châu Âu. Ban tổ chức SPL tin rằng với sự xuất hiện của N’Golo Kante, Karim Benzema, Neymar hay Ronaldo, hạng đấu cao nhất của Saudi Arabia sẽ vươn tầm.

Đồng thời, các ngôi sao thượng thặng bóng đá thế giới cũng giúp cải thiện hình ảnh của Saudi Arabia, quốc gia vốn không được lòng phương Tây. Tất nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng. Bất chấp sự xuất hiện của những siêu sao, nhiều khán đài ở SPL vẫn trống vắng. Giải VĐQG Saudi Arabia không thể hóa rồng chỉ sau một đêm.

Bóng đá châu Âu phát triển bởi mối liên kết kéo dài cả trăm năm với người hâm mộ và nền văn hóa bản địa. Người Saudi Arabia còn nhiều việc phải làm, ngay cả khi đã tiêu hơn 1,5 tỷ USD để mua sắm cầu thủ. Ngay cả đội tuyển quốc gia của họ cũng chưa cho thấy sự tiến bộ. Người Saudi Arabia sẽ cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để hiện thực hóa giấc mơ của họ. Hiển nhiên, từ giờ đến cột mốc 2030 vẫn còn lâu. Cơn mua sắm điên cuồng của bóng đá Saudi Arabia sẽ không dừng lại.

Nguồn tin: Bongdako

Từ khóa: